>>> Kinh tế số là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP từ năm 2020 - 2023 lần lượt là 12,66%; 12,88%; 12,63% và 12,33%. Trung bình tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP các năm 2020 - 2023 đạt khoảng 12,62% và năm 2023 là 12,33%. Trong đó, ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,42% (chiếm 60,19%); số hóa các ngành khác đóng góp 4,91% (chiếm 39,81%).
Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP có xu hướng giảm do sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm do nhu cầu thế giới giảm. Đây là một trong 7 ngành của kinh tế số lõi, chiếm hơn 30% tổng giá trị tăng thêm của hoạt động kinh tế số.
Tuy nhiên, đáng ghi nhận là các ngành dịch vụ có giá trị tăng thêm tạo ra do ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong công tác quản lý điều hành có xu hướng tăng lên. Điều này thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường. Đặc biệt, các ngành dịch vụ có xu hướng số hóa ngày càng tăng giúp tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ trong GDP tăng từ 6,53% năm 2020 lên 6,65% năm 2023.
Một số ngành khác có giá trị tăng thêm kinh tế số trung bình các năm 2020 - 2023 cao là thương mại bán buôn, bán lẻ chiếm khoảng 13%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí trung bình khoảng 4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn chiếm khoảng 2%; hoạt động phát thanh, truyền hình chiếm khoảng 2%; Hoạt động dịch vụ tài chính khoảng 2%.
Ngược lại, một số ngành có hoạt động số hóa thấp và gần như không thực hiện số hóa như hoạt động thú y; hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động chăm sóc, điều dưỡng tập trung; sản xuất sản phẩm thuốc lá; xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác… (chiếm khoảng 0,002% tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số).
Tính theo các địa phương, ngành kinh tế số lõi đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế số cũng như kinh tế Việt Nam nói chung. Một số tỉnh, thành phố có hoạt động kinh tế số lõi phát triển như TP Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… tập trung nhiều các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo... Tính chung trong 63 tỉnh thành, năm 2023, có 5 tỉnh, thành phố có tỷ trọng đóng góp kinh tế số trên 20%; 8 tỉnh, thành phố có tỷ trọng từ 10 - 20%; 48 tỉnh, thành phố có tỷ trọng từ 5 - 10% và chỉ có 2 tỉnh, thành phố có tỷ trọng này dưới 5%.
Những con số trên cho thấy, kinh tế số ngày càng phát triển và đóng góp nhiều hơn trong tăng trưởng, đặc biệt là hoạt động số hóa của các ngành, các lĩnh vực có xu hướng tăng lên. Điều này thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quản lý điều hành.
Trong thời gian tới, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ đóng góp nhiều hơn vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi toàn diện nền kinh tế, đồng thời đặt ra yêu cầu khẩn trương và quyết liệt trong việc tìm kiếm, khuyến khích các ngành, hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số. Tổng cục Thống kê cho rằng, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng phát triển kinh tế.
Để đo lường đóng góp giá trị tăng thêm của kinh tế số trong nền kinh tế phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, ngoài các nguồn thông tin sẵn có từ các cuộc điều tra thống kê hiện nay, hằng năm cần phải tiến hành thu thập thông tin về ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh quản lý điều hành làm căn cứ cập nhật hệ số ứng dụng công nghệ thông tin của các ngành, các lĩnh vực. Hơn nữa, để đo lường đầy đủ, toàn diện đóng góp kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế, cần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò kinh tế số trong nền kinh tế; tăng cường hợp tác, phối hợp giữa Tổng cục Thống kê với các bộ, ngành, địa phương và quan tâm xây dựng thể chế để bố trí nguồn lực phù hợp, thúc đẩy ứng dụng kinh tế số trong các hoạt động kinh tế, quản lý, điều hành.